Phiền toái, khó chịu và "tý nữa thì nguy hiểm" chỉ vì dị vật nhỏ bay vào mắt
Chiều muộn, sắp kết thúc buổi khám thì BS Lê Kim Lan – Khoa Khám bệnh của hệ thống Bệnh viện Mắt Hitec 51-53-55 Trần Nhân Tông được tiếp nhận thêm một trường hợp người bệnh nữa. V.V.Đ, sinh năm 1983 ở Tiền Hải, Thái Bình bước vào phòng khám với một tay vừa dụi vừa lau nước mắt, khuôn mặt nhăn nhó, khó chịu. Lên Hà Nội làm thuê cho một nhà thầu xây dựng, công việc của Đ. là phụ hồ, phá dỡ, chặt sắt, chuyển gạch … tất tần tận các việc phụ giúp trong một công trình xây dựng, chỗ nào trống chân là Đ. được thế vào! Vì vậy, Đ. cũng không có một biện pháp phòng hộ cụ thể nào cho bản thân. "Năm ngoái, trong khi chặt sắt làm copha, em bị một mảnh sắt nhỏ bắn vào mắt, đau chói, chảy nước mắt giàn giụa, nhưng sau khi em dụi mắt thì thật may mắn, mảnh sắt nhỏ đó đã trôi ra. Đỏ mắt mất mấy ngày, rồi cũng khỏi… Lần này, trong lúc đang tung gạch, em bị một vật gì đó bắn vào mắt, cố dụi và tra thuốc các kiểu mà mảnh bụi cố thủ không chịu trôi ra…"! Đ. kể với BS Lan – cố mãi mà không chịu được, em phải đi khám!
Vừa nhìn vào máy sinh hiển vi, BS Lan vừa nói với Đ.: "Mắt em có một vài cái sẹo cũ ở lòng đen, chắc do những lần trước dị vật bắn vào. Những cái sẹo này sẽ làm giảm tầm nhìn của em, còn lần này là 2 mảnh dị vật màu đen, găm khá sâu vào giác mạc, để chị lấy ra cho em – may mà em đã đến khám sớm, để xử lý sớm, chứ không thì nguy hiểm đó! " Sau khi tra thuốc gây tê cho Đ., BS Lan lấy ra hai mảnh dị vật nhỏ để vào cái tăm bông và đưa cho Đ. xem. Cậu tươi cười, gật gù nói với bác sỹ: "Bé xíu thế mà cứng đầu ghê, làm mình khó chịu kinh khủng, chỉ muốn nhắm nghiền mắt lại, không làm được việc gì chị ạ!" Dị vật giác mạc – dù nhỏ, chớ coi thường! Theo chuyên gia của Bệnh viện Mắt Hitec: Với những bụi nhỏ chỉ nằm ngay trên bề mặt kết - giác mạc, có thể lấy ra dễ dàng và thường không để lại tổn thương cho mắt, đôi khi bệnh nhân chỉ chớp mắt hoặc biết cách rửa mắt đúng cách ở nhà, dị vật đã tự trôi ra. Khi đến khám chỉ là tình trạng mắt kích thích, chói, chảy nước mắt với bề mặt giác mạc bị trợt nhẹ - nếu được chăm sóc đúng cách, tổn thương có thể hồi phục sau 1-2 ngày mà không để lại di chứng gì. Nhưng nhiều khi có những "mảnh bụi cứng đầu" găm vào giác mạc, cần phải có sự can thiệp của bác sỹ mới có thể lấy được nó ra khỏi mắt.
Dị vât được lấy ra từ mắt bệnh nhân Đ.[/caption]
Nguyên nhân và các loại dị vật giác mạc có thể do tai nạn lao động hoặc tai nạn sinh hoạt như: Rỉ sắt (hoặc kim loại khác), mùn cưa, cánh/chân côn trùng, nhựa cây, bụi nhà, bụi đường, mảnh thủy tinh, keo 502 ... Những dấu hiệu thường gặp khi bị dị vật giác mạc: Cảm giác cộm, hoặc khó chịu, đỏ, sưng nề, cộm - chói - đau nhức - chảy nước mắt, không mở được mắt, nhìn mờ, chuyên môn gọi chung là "hội chứng kích thích" mắt. Dị vật giác mạc được coi như một cấp cứu nhãn khoa, nếu không được xử lý đúng có thể để lại di chứng giảm thị lực do các biến chứng: Viêm- loét giác mạc, Thủng giác mạc, Sẹo giác mạc, nhiễm kim loại giác mạc (thường gặp là vòng rỉ sắt) ...
Cần làm gì khi bị dị vật giác mạc?
Tại nhà:
Khi nghi bị dị vật giác mạc, tránh day dụi mắt nhiều mà nên rửa mắt dưới vòi nước sạch với áp lực nhẹ, hoặc úp mắt vào 1 cốc nước sạch/nước muối sinh lý (chai dung dịch Natriclorid 0,9%) để chớp rửa, những dị vật nông – nhỏ có thể được trôi ra, sau đó băng che mắt và đến cơ sở phòng khám/ bệnh viện chuyên khoa gần nhất. Tuyệt đối không tự lấy ngay cả khi nhìn thấy dị vật và không tự ý mua thuốc về nhỏ mắt.
Tại cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa mắt:
bác sĩ sẽ thăm khám bằng máy sinh hiển vi để xác định và đánh giá dị vật đơn giản hay phức tạp, nông hay sâu, vị trí ở trung tâm hay rìa giác mạc, bản chất của dị vật (kim loại hay gỗ củi, thủy tinh…), số lượng nhiều hay ít, những thương tổn khác trên mắt kèm theo, khả năng và đường tiếp cận để lấy dị vật... Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sỹ sẽ quyết định lấy hết dị vật trong 1 lần hay chỉ tạm thời lấy những mảnh lớn sau đó rửa sạch mắt và tiếp tục theo dõi, đánh giá thương tổn trên mắt để lấy hết dị vật khi đủ điều kiện an toàn. Đôi khi dị vật giác mạc sâu, phức tạp cần được lấy trong phòng mổ với điều kiện ánh sáng và thiết bị chuyên môn đặc biệt, khi đó người bệnh có thể cần nhập viện để điều trị nội trú. Việc lấy dị vật giác mạc, theo dõi và điều trị, bắt buộc phải do bác sỹ chuyên khoa mắt đảm nhiệm.
Phòng và chăm sóc mắt như thế nào để tránh bị dị vật giác mạc?
- Sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động, mang kính khi tiếp xúc với môi trường bụi bẩn có nguy cơ - Đeo kính khi tham gia giao thông - Khi nghi bị dị vật giác mạc cần làm theo hướng dẫn ở trên: rửa mắt và đến khám chuyên khoa Mắt; Không tự ý lấy dị vật hoặc tự mua thuốc điều trị vì có những loại thuốc làm cho người bệnh "cảm thấy đỡ khó chịu" nhưng dị vật thì chưa được lấy ra và tiếp tục gây tổn hại cho mắt!
Khi nào cần tái khám bác sỹ?
- Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Khi có các triệu chứng bất thường về mắt như: đau nhức, kích thích tăng lên, sưng đỏ, chảy ghèn, chảy nước mắt, nhìn mờ tăng lên, … cần tái khám ngay để được bác sĩ nhãn khoa kiểm tra và xử lý kịp thời.
Nguồn Báo Sức Khỏe Đời Sống