Chuyên gia HITEC giúp người bệnh đọc được sách bằng con mắt tưởng như đã mù loà

Đục thuỷ tinh thể (TTT) là nguyên nhân gây mù loà phổ biến nhất. Tại Việt Nam, mù do đục TTT chiếm 60% các loại mù loà. Tuy nhiên các chuyên gia nhãn khoa cho biết với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, giờ đây phẫu thuật đục TTT không chỉ để "xóa mù" mà còn giúp người bệnh…

Đục TTT là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến nhất

Bà N.T.Q., năm nay đã ngoài 66 tuổi ở La Phù, Hoài Đức, Hà Nội, đã được phẫu thuật điều trị cơn Glocom cấp cả 2 mắt đã 20 năm nay. Sau đó 6 năm bà lại được mổ để thay thủy tinh thể (TTT) nhân tạo mắt trái.

Lúc đó, mắt phải còn sáng nhưng sau đó cứ mờ dần, cho đến nay nếu che mắt trái, bà chỉ còn nhìn lờ mờ ngón tay trước mắt. Bà Q., cũng chấp nhận, tưởng mắt phải đã mù hẳn nên không đi chữa nữa…

Sau mổ, nay mắt phải đạt 7/10, bà Q., vui vì mắt phải sáng hơn cả mắt trái, còn đọc sách được.

Được con cái động viên, nay bà đến Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội (HITEC), 51-53-55 Trần Nhân Tông (Quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) để khám. Tại đây, bà được ThS.BS Nguyễn Văn Sanh – Giám đốc bệnh viện trực tiếp khám cho biết: Mặc dù mắt phải nhân mắt đã đục hoàn toàn có màu nâu đen, xơ trai, cứng, phẫu thuật rất khó khăn.

Tuy nhiên BS Sanh vẫn động viên bà Q. nên mổ thay TTT nhân tạo mắt phải vì nếu không có thể gây ra những biến chứng đáng tiếc cho mắt.

Và sau phẫu thuật 1 tuần, bà Q., vui mừng khôn xiết vì thấy mắt phải nay đã sáng hơn mắt trái, nó còn giúp bà có thể đọc được sách. Bà nói "vậy mà mấy năm nay, tôi cứ nghĩ con mắt đó mù rồi, không đi khám nữa …"!

Tại châu Á, mù do đục thể thuỷ tinh chiếm 50% các dạng mù, nữ giới mắc bệnh cao hơn nam. Tại Việt Nam, theo Viện Mắt Trung ương, mù do đục thể thuỷ tinh chiếm 60% các loại mù trong đó nữ đục thể thuỷ tinh 2 mắt chiếm 68,5%, nam chiếm 59,3%.

Tại Đông Nam Á, mù do đục TTT chiếm 50% các nguyên nhân gây mù (tỷ lệ này cao hơn ở nữ giới). Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 50% những người trên 60 tuổi bị đục TTT và tỷ lệ này lên đến 100% ở những người trên 80

Người đục thủy tinh sẽ có thể thấy các dấu hiệu như:

- Tầm nhìn bị đục, mờ hoặc nhòe không rõ nét.

- Gặp khó khăn khi nhìn vào ban đêm hoặc cả khi ánh sáng chói

- Nhạy cảm với ánh sáng mạnh và chói.

- Màu sắc biến đổi hoặc chuyển vàng...

Các hình thái đục TTT và những nguy cơ xảy ra trong phẫu thuật

Theo các chuyên gia nhãn khoa, các dấu hiệu trên của đục TTT có thể khác nhau với mỗi hình thái đục TTT. Phân loại theo vùng đục sẽ có 3 hình thái chính:

- Đục nhân (nuclear cataract): vùng nhân trung tâm chuyển màu từ trong suốt chuyển sang màu vàng, rồi vàng nâu, nâu, nâu đen. Cùng theo đó, độ cứng của nhân cũng tăng dần từ mềm, đến cứng và xơ cứng.

- Đục vỏ (cortical cataract): còn gọi là đục hình chêm. Do lớp vỏ bị đục, có thể đục vỏ sau hoặc vỏ trước, tùy vị trí đục mà gây nhìn mờ ở các mức độ khác nhau. Tuy vậy đục vỏ thường tiến triển nhanh, gây giảm thị lực sớm, khi phẫu thuật, nhân trung tâm thường chưa cứng nên phẫu thuật thuận lợi hơn.

- Đục dưới bao sau (posterior subcapsular cataract): thường gặp ở người trẻ. Thường do tác dụng phụ của corticoid gây đục khu trú ngay ở lớp vỏ dưới bao sau, đúng trục thị giác nên bệnh nhân có cảm giác chói khi ra ánh sáng, đồng tử co nhỏ. Những bệnh nhân này, thị lực giảm nhiều, gây khó chịu nhiều không tương xứng với mức độ đục.

Ngoài ra, các chuyên gia nhãn khoa cũng cho biết có hình thái đục TTT hỗn hợp, đó là trên một bệnh nhân có thể gặp phối hợp nhiều hình thái đục khác nhau.

Các chuyên gia nhãn khoa đồng thời cho biết TTT có thể đục dần dần, khi đục toàn bộ/đục hoàn toàn (mature catact) có thể có 2 hình thái ở nhân hoặc vỏ:

- Đục vỏ hoàn toàn (cortical mature cataract): toàn bộ phần vỏ từ bao tới nhân đục trắng, ngấm nước gây "trương" thủy tinh thể (intumescent cataract). Với hình thái này, nhân thường không cứng quá, nhưng do mất lớp vỏ đệm nên khi phẫu thuật Phaco rất dễ rách bao sau dẫn tới việc đặt tủy tinh thể nhân tạo vào trong túi bao gặp khó khăn. Mức độ nặng hơn, lớp vỏ TTT có thể hóa lỏng làm nhân trung tâm "rơi" xuống dưới gọi là đục quá chín (hypermature cortical cataract) hay đục Morgagnian.

- Đục nhân hoàn toàn (nuclear mature cataract): toàn bộ nhân trung tâm đục cứng có màu nâu đen, hầu như tiêu hết lớp vỏ nhân, nên còn gọi là đục nâu (brunescent cataract). Đây là hình thái rất khó cho phẫu thuật Phaco do nhân rất cứng, khó tán nhuyễn, khi dùng năng lượng Phaco cao dễ làm tổn thương các thành phần khác trong nội nhãn, dễ xảy ra biến chứng.

Các chuyên gia nhãn khoa của HITEC nhấn mạnh: Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, giờ đây phẫu thuật đục TTT không chỉ để "xóa mù", giúp người bệnh "nhìn được" mà còn giúp họ nhìn rõ, nhìn hình ảnh chân thực, sắc nét, mầu sắc sống động ở mọi khoảng cách: nhìn xa, nhìn gần, nhìn trung gian… với phaco khúc xạ và thủy tinh thể đa tiêu cự.

Vì vậy, thời điểm phẫu thuật đục TTT trở lên khá "linh hoạt" nhằm khắc phục kịp thời cho những hình thái đục TTT đặc biệt, tuy thị lực chưa giảm nhiều nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Thời điểm đó, hoàn toàn phụ thuộc vào nguyện vọng của mỗi cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu công việc và cuộc sống của họ.

"Phẫu thuật được chỉ định khi đục TTT gây giảm thị lực cản trở đến các hoạt động sống hàng ngày như lái xe, đọc sách hoặc xem ti vi... Vì vậy người bệnh cần đi khám định kỳ để cùng với các bác sĩ nhãn khoa thảo luận để quyết định thời điểm phẫu thuật phù hợp và an toàn nhất. …" - BS. Nguyễn Văn Sanh chia sẻ.

Nguồn Báo Sức Khỏe Đời Sống

0984 122 153
image 0984 122 153 image Zalo image Facebook image Đặt lịch khám image Chỉ đường