ĐIỀU TRỊ TẬN GỐC BỆNH VIÊM KẾT MẠC MÙA XUÂN
I. VIÊM KẾT MẠC MÙA XUÂN LÀ BỆNH GÌ? Viêm kết giác mạc mùa xuân là một loại viêm kết giác mạc dị ứng có thể tiến triển nặng, gây suy giảm thị lực nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng. Bệnh có tỷ lệ cao ở nam giới từ 5 đến 20 tuổi, trên cơ địa trẻ bị chàm, hen xuyễn, hoặc dị ứng theo mùa. Chỉ có 10% ‘may mắn’ là bị dị ứng đơn thuần tại mắt. Viêm kết mạc mùa xuân có thể ổn định và thuyên giảm vào mùa thu và mùa đông rồi thường tái phát lại vào mùa xuân. Một số trẻ em có thể ổn định và hết tình trạng này khi đến tuổi trưởng thành. Vì vậy bệnh có tên gọi là viêm kết mạc mùa xuân (mùa và tuổi). II. NHỮNG DẤU HIỆU CỦA VIÊM KẾT MẠC MÙA XUÂN: Tại mắt:
- Ngứa mắt nhiều làm người bệnh luôn phải dụi
- Đỏ mắt thường xuyên, kéo dài.
- Ghèn (dử mắt) có tính chất dai, nhầy có thể kéo sợi.
- Sợ ánh sáng, chói, nhìn mờ khi có tổn thương giác mạc
Toàn thân:
- Có thể kèm viêm mũi xoang dị ứng, hen, nổi mày đay, ngứa mũi…
- Tái phát vào mùa xuân.
Các dấu hiệu trên sẽ nhanh chóng thuyên giảm và được kiểm soát bằng các thuốc chống viêm và thuốc ổn định dưỡng bào tại mắt và toàn thân. III. ĐIỀU TRỊ VIÊM KẾT MẠC MÙA XUÂN: Bệnh có tính chất cơ địa nên hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các thuốc chống viêm không đặc hiệu và các thuốc ổn định dưỡng bào (bền màng mastocyte) chỉ có tác dụng giúp bệnh nhân giảm triệu chứng và hạn chế các tổn thương thứ phát. Ngoài ra cần phối hợp với những giải pháp tổng thể, kiên trì và lâu dài. Thuốc:
- Thuốc chống viêm không đặc hiệu và các thuốc ổn định dưỡng bào (bền màng mastocyte) tại mắt: thường dùng Alegysal, Pataday, Relestat…... Thuốc được dùng trong giai đoạn cấp tính và duy trì kéo dài giúp BN hết ngứa, không day dụi gây đỏ mắt và làm tổn thương kết giác mạc thứ phát.
- Nước mắt nhân tạo giúp bôi trơn bề mặt nhãn cầu, tăng cường dinh dưỡng cho giác mạc và chống khô mắt: Systane ultra, Sanlein, Endura, Reresh, … nên dùng các chế phẩm không có chất bảo quản, tránh gây độc cho tế bào biểu mô giác mạc vì thuốc pahri điều trị dài ngày.
- Kháng sinh chỉ dùng khi có viêm bội nhiễm.
- Thuốc chống viêm có corticoid được dùng theo chỉ định của bác sĩ mắt trong giai đoạn cấp tính, để tránh các biến chứng tăng nhãn áp gây Glaucome hoặc đục thủy tinh thể ...
- Các thuốc kháng histamin đường uống chỉ được chỉ định khi bệnh nhân có kèm thêm các bệnh dị ứng khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng...
Lưu ý khác:
- Chườm lạnh mi trong cơn ngứa có thể làm giảm ngứa - giảm viêm rất nhiều, tránh day dụi nhiều vì có thể gây trầy xước giác mạc.
- Nếu bệnh nhân đang đeo kính áp tròng thì nên giảm hoặc ngưng sử dụng kính áp tròng trong thời gian điều trị cấp tính vì các chất gây dị ứng có thể bám trên bề mặt của kính và việc day dụi có thể làm tăng nguy cơ tổn thương bề mặt nhãn cầu.
IV. LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SỸ CHO BỆNH NHÂN VIÊM KẾT MẠC MÙA XUÂN:
- Không tự ý dùng các thuốc có chứa corticoid hoặc dùng không đúng theo hướng dẫn của bác sỹ để tránh các biến chứng nguy hiểm: glôcôm, đục thể thủy tinh, nhiễm khuẩn cơ hội hay phối hợp.
- Tránh tiếp xúc với dị nguyên; thường xuyên đeo kính bảo vệ mắt; vệ sinh mắt, vệ sinh cá nhân tốt; ngừng thói quen day dụi mắt; thận trọng khi dùng hóa chất, mỹ phẩm; không lạm dụng kính áp tròng
-☘☘☘☘☘-
Hệ thống bệnh viện mắt HITEC - Tận tâm cho đôi mắt sáng
☎ SĐT tư vấn: 0984.122.153
? Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội: Số 51-53-55 Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội
? Bệnh viện chuyên khoa mắt HITEC: Số 55 Hàm Long, Hoàn Kiếm, Hà Nội
? Phòng khám mắt kỹ thuật cao: Số 480 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội
? Website: https://benhvienmat.vn
? Liên hệ: m.me/hethongbenhvienmathitec