Cháu N.Đ.T.N, ở Lương Tài, Bắc Ninh mới 4 tuổi nhưng đã phải đeo số kính rất cao: mắt phải: 7 độ viễn và 0,5 độ loạn, mắt trái : 6 độ viễn và 0,5 độ loạn mà thị lực ở mắt tốt của con mới chỉ đạt 6-7/10. Chia sẻ về trường hợp này, cử nhân khúc xạ nhãn khoa Nguyễn Thị Huyền - Bệnh viện Mắt Kỹ Thuật Cao Hà Nội (HITEC) cho biết cách đây 2 năm, khi T.N 2 tuổi, được mẹ đưa đến Khoa khúc xạ của HITEC khám vì thấy mắt con bị lác. Ở thời điểm đó, mẹ T.N. kể: thấy mắt con luôn không định vị vào một vật gì mà cứ phải "ngước lên" như đi tìm kiếm vật tiêu. Khi biết đi, con hay bị "va chạm" và vấp ngã, kiểu như không biết tránh các chướng ngại vật. T.N. được bác sỹ khám và theo dõi từ đó đến nay với chẩn đoán: 2 mắt nhược thị, lác do tật khúc xạ (loạn thị hỗn hợp – viễn thị cao). Một tháng rưỡi sau khi đeo kính, đến khám lại, mắt của T.N. đã có tiến triển: thị lực mỗi mắt đã tăng được 2 hàng và đặc biệt mắt con gần như không còn lác khi đeo kính.
Tuy nhiên, T.N. còn cần phải thực hiện một kế hoạch điều trị kiên trì, lâu dài để duy trì được thị lực hai mắt tốt và cân bằng nhau".
]
Cử nhân khúc xạ nhãn khoa Nguyễn Thị Huyền đang soi bóng đồng tử cho trẻ
Lác và nhược thị là hai biến chứng thường gặp ở trẻ viễn thị
Theo các chuyên gia nhãn khoa, tật khúc xạ bao gồm: cận thị, viễn thị, loạn thị, trong đó cận thị chiếm tới trên 90% trong tổng số. Vì vậy, đôi khi người dân đồng nghĩa tật khúc xạ với cận thị mà quên đi viễn thị tuy không phổ biến nhưng lại có thể gây ra các rối loạn chức năng thị giác nặng nề và là một trong những nguy cơ khiếm thị không nhỏ đối với trẻ nhỏ. Viễn thị – hay còn gọi là tật nhìn xa vì nếu viễn thị nhẹ, trẻ có thể nhìn xa vẫn tốt. Nhưng với viễn thị nặng thì trẻ sẽ gặp khó khăn cả nhìn xa và nhìn gần.
Một trong nguyên nhân viễn thị thường gặp là do trục nhãn cầu (chiều dài của mắt) ngắn. Trẻ em mới sinh gần như đều có viễn thị từ 2 đến 3 độ. Khi lớn lên, trục nhãn cầu của trẻ sẽ dài dần ra và mắt sẽ hết viễn thị khi tới tuổi thiếu niên. Ở một số người sự phát triển này không trọn vẹn nên mắc tật khúc xạ viễn thị. Di truyền cũng là một trong những nguyên nhân gây viễn thị - con cái có tỷ lệ viễn thị cao hơn nếu cha mẹ bị viễn thị.
Trẻ viễn thị nặng (từ 4-5 độ), mắt sẽ phải tăng quy tụ để nhìn gần dẫn đến có thể bị lác trong. Viễn thị nặng nếu không được điều trị kịp thời, còn gây nhược thị và rối loạn thị giác hai mắt. Khi đó việc điều trị trở nên khó khăn hơn nhiều so với viễn thị đơn thuần.
Viễn thị khó phát hiện hơn cận thị. Cha mẹ phải chú ý nhận ra những bất thường trong sinh hoạt của trẻ để phát hiện sớm chứng viễn thị như: thường hay dụi mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt, mắt lác (lé) hoặc mắt không thể nhìn cố định được mà phải liếc tìm kiếm vật tiêu….
Trẻ lớn hơn có thể kêu mắt nhức mỏi, nhìn mờ do mắt luôn phải điều tiết gây mất cân bằng giữa điều tiết và quy tụ nên mắt bị lác trong, trẻ thường nhìn bằng một mắt tốt hơn và mắt kém hơn sẽ bị nhược thị (không nhìn được rõ mặc dù đã chỉnh kính tối đa). Nhược thị cũng có thể xảy ra ở cả hai mắt và ảnh hưởng đến thị giác 2 mắt như không nhìn thấy hình nổi, xác định khoảng cách không gian không chính xác, khó khăn đến phát triển một số nghề nghiệp sau này. Viễn thị thường được ghi nhận rõ ràng nhất lúc 5- 6 tuổi khi trẻ chuẩn bị vào tiểu học.
Chương trình khúc xạ học đường nhằm tầm soát tật khúc xạ ở trẻ em[/caption]
Chuyên gia khúc xạ khuyến cáo gì?
Trẻ nhỏ bị viễn thị thường không tự nhận biết được vấn đề của mình vì vậy, việc tầm soát tật khúc xạ tiền học đường (trước khi vào tiểu học) để phát hiện những trường hợp viễn thị là rất có ý nghĩa.
Trẻ lớn hơn, viễn thị đôi khi được phát hiện "tình cờ" trong các đợt tầm soát tật khúc xạ tại trường học. Cha mẹ hãy lưu ý đến những thói quen thị giác khác thường của con để đưa con đi khám mắt sớm nhất có thể.
Đặc biệt những trường hợp viễn thị bẩm sinh, nặng, cha mẹ cần lưu ý:
- Đeo kính đủ độ viễn cho trẻ: số kính cộng cao nhất cho thị lực tốt nhất. Vì vậy, cha mẹ nên lựa chọn một sơ sở chuyên khoa mắt uy tín, tin cậy giúp trẻ được thăm khám cẩn thận, cho kết quả chính xác, cắt kính tối ưu cho trẻ ngay từ lần đầu tiên.
- Đeo kính thường xuyên, chỉ nên tháo kính lúc đi tắm và lúc đi ngủ.
- Trẻ nhược thị cần phải kiên trì và tuân thủ các bài tập phục hồi và cân bằng thị lực hai mắt theo hướng dẫn của chuyên gia.
- Trẻ có thể sẽ hết lác khi đeo kính nhưng trong một số trường hợp khi có chỉ định của bác sỹ chuyên khoa trẻ cần được phẫu thuật chỉnh lác sớm để mắt đạt được thị lực tốt.
- Khám mắt định kỳ theo hẹn, giúp theo dõi sát tiến triển của mắt để có hướng điều chỉnh kịp thời và phù hợp với từng tình trạng cụ thể