Hôm nay chị N.T.N. 53 tuổi ở Kinh Môn, Hải Dương đến Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội (Hitec) để chuẩn bị mổ tiếp mắt phải. Chị phấn chấn nói với bác sĩ: "Hơn 50 năm nhìn cái gì cũng mờ mịt, giờ mới mổ mắt trái nhưng em đã nhìn rõ lắm rồi…"
Mới ngoài 50 tuổi nhưng trông chị N. chậm chạp hơn nhiều người cùng lứa bởi mắt kém. Chị N. kể: "Ngay từ hồi nhỏ đi học, dù đã được ngồi bàn đầu chị vẫn không thể nhìn được chữ trên bảng. Nhưng rồi vì nghèo khó, cha mẹ đành làm ngơ mà không cho con đi khám! Học hành không đến nơi đến chốn nên không thể kiếm được công ăn việc làm. May là mấy năm nay ra Hà Nội giúp việc, chủ thương tình mới cho em đi khám mắt". ThS. BS. Nguyễn Văn Sanh, Giám đốc Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội (Hitec) – người trực tiếp khám và mổ cho chị N. cho hay: "đây là một trường hợp đục thủy tinh thể 2 mắt trên mắt cận thị rất nặng (10-11 độ) có thoái hóa sắc tố võng mạc, được chỉ định phẫu thuật Phaco điều trị".
Ths.Bs. Nguyễn Văn Sanh - Giám đốc Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội, khám và tư vấn cho bệnh nhân đục thuỷ tinh thể.[/caption] Phaco khúc xạ điều trị cận thị cho người bệnh đục thủy tinh thể Đục thủy tinh thể (TTT) – đục nhân mắt là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Bệnh thường xuất hiện ở những người sau 50 tuổi, do quá trình lão hóa và tiến triển rất chậm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đục TTT tiến triển nhanh ở những người bệnh trẻ và rất trẻ. Ngoài những nguyên nhân do tác dụng phụ của thuốc, bệnh toàn thân hay chấn thương, tỷ lệ đục TTT còn khá cao ở những người bị cận thị nặng do trục nhãn cầu dài làm thay đổi vị trí tương đối, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của TTT. Cận thị làm cho mắt nhìn xa kém, nay lại thêm các triệu chứng của đục TTT như: nhạy cảm với ánh sáng gây lóa, trong bóng râm nhìn rõ hơn ngoài nắng, nhìn đôi, hay như nhìn qua lớp sương mờ... Đặc biệt thị lực không được cải thiện với kính đang đeo, mặc dù đã tăng số. Các dấu hiệu trên gây ảnh hưởng nhiều hơn đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh so với mắt chỉ có cận thị đơn thuần.
Phẫu thuật Phaco trên máy Centurion tại Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội.[/caption] Đục TTT trên mắt cận thị thường được phát hiện muộn. Ngoài ra, nó còn trở thành rào cản cho việc khám và đánh giá những tổn thương phía sau nhãn cầu. Vì vậy, trên những người cận thị, từ 40 tuổi nếu phát hiện đục TTT, bác sĩ thường chỉ định mổ sớm. Tuy nhiên lúc này, các phẫu thuật điều trị cận thị đơn thuần như laser hoặc Phakic IOL sẽ không còn phù hợp nữa mà Phaco khúc xạ đã trở thành một cứu cánh cho họ. Vừa lấy đi TTT đục, bác sỹ vừa đặt vào mắt người bệnh 1 chiếc kính nội nhãn (IOL) với độ khúc xạ phù hợp để điều chỉnh độ cận. Tuy nhiên việc lựa chọn và tính toán số đo IOL (TTT nhân tạo) cho bệnh nhân cận thị nặng cũng khó hơn ở người không bị cận thị. Và thường thì sau mổ, bệnh nhân không cần đeo kính nhìn xa nhưng có thể phải đeo kính để chỉnh độ loạn hoặc độ cận tồn dư (nếu có) để nhìn gần. Tùy từng trường hợp cụ thể bác sỹ sẽ khám, tư vấn và giải thích trước cho người bệnh
Chuyên gia khuyến cáo: Kiểm soát cận thị là biện pháp hiệu quả để phòng đục TTT và các biến chứng mắt
Theo các chuyên gia, cận thị là tật khúc xạ phổ biến đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Đặc biệt ở lứa tuổi học đường, tỷ lệ này chiếm khoảng 25% tổng dân số trên thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ cận thị trên học sinh ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh lên tới 50-70%. Theo đó, tỷ lệ cận thị nặng (trên 6.00 đi-ốp) cũng có xu hướng tăng cao. Theo thống kê của một số bệnh viện chuyên khoa mắt, vào những tháng hè cao điểm, 40-50% số bệnh nhân đến khám là tật khúc xạ nói chung và cận thị nói riêng. Cận thị nặng, tiến triển quá nhanh (trên 2.00 đi-ốp/1 năm) với nhiều biến chứng nguy hiểm là hậu quả do mắt cận thị không được kiểm soát tốt. Các chuyên gia nhãn khoa cho rằng, bệnh nhân cận thị nặng có nguy cơ đục TTT cao gấp 5 lần người bình thường.
Bên cạnh đó, các nguy cơ khác như: thoái hóa võng mạc chu biên gây lỗ rách võng mạc, bong võng mạc, thoái hóa hoàng điểm, glocom còn tăng hơn gấp nhiều lần (từ 20-40 lần). Các tổn thương này đều là những nguyên nhân gây giảm thị lực dẫn tới mù lòa. Cho đến nay chưa có loại thuốc nào để điều trị cận thị, chỉnh quang (dùng kính) để cải thiện thị lực là biện pháp an toàn, hiệu quả, đơn giản với chi phí hợp lý, trong khi phẫu thuật chỉ được chỉ định khi trẻ đủ 18-20 tuổi. Bởi vậy, căn cứ độ tuổi, độ cận thị, nhu cầu học tập/làm việc và điều kiện kinh tế, bệnh nhân có thể lựa chọn cho mình phương pháp điều trị phù hợp. Với các trẻ có cận thị nặng, bên cạnh việc đeo kính đủ số, khám định kỳ theo hẹn của bác sỹ, kiểm soát mức độ tiến triển của cận thị có ý nghĩa quan trọng để hạn chế những biến chứng nguy hiểm nói trên. Hiện nay, kính áp tròng đêm (Ortho-K) và Atropin nồng độ thấp đang được xem là những giải pháp khá hiệu quả giúp hạn chế tăng độ cận thị. Ngoài ra, khuyến khích trẻ tăng cường hoạt động ngoài trời dưới ánh sáng tự nhiên, cải thiện môi trường học tập và làm việc, hạn chế nhìn gần quá lâu, cho mắt được nghỉ ngơi, tránh điều tiết quá mức… cũng có tác dụng không nhỏ giúp cho việc ngăn ngừa và hạn chế cận thị.
Nguồn Báo Sức Khỏe Đời Sống