Tỷ lệ mắc tật khúc xạ tăng và nhiều trẻ đeo kính chưa đúng

Kết quả khám mắt cho học sinh 3 cấp tại hệ thống trường Thực nghiệm (Hà Nội) do Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội thực hiện gần đây thêm một lần nữa cho thấy, tình trạng học sinh bị tật khúc xạ đang gia tăng nhanh chóng. Tỷ lệ trẻ đeo kính không đúng với số đo cận thị, loạn thị, viễn thị thực tế cũng khá nhiều.

Bác sĩ khám mắt cho học sinh trường Thực nghiệm

Theo đó, trong số 2.696 học sinh tham gia khám, tầm soát có tới 68% số trường hợp mắt có tật khúc xạ và các vấn đề khác, cao hơn tỷ lệ của những nghiên cứu phạm vi rộng hơn. Trước đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em từ 6-15 tuổi, tỷ lệ bị tật khúc xạ chiếm 25- 40% ở thành thị và 10-15% ở nông thôn, chủ yếu là cận thị. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Sanh, Giám đốc Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội (thuộc Hệ thống Bệnh viện Mắt Hitec) chia sẻ:

“Trong những năm gần đây, không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, tỷ lệ bị tật khúc xạ tăng một cách báo động. Các khảo sát tại Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy, tỷ lệ bị tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị học đường tăng rất cao, ở thành thị cao hơn nông thôn, liên quan đến không gian sống ngày càng chật hẹp và trẻ thường xuyên phải nhìn gần.”

“Tổ chức Y tế thế giới đã có những khuyến cáo và khuyến khích các tổ chức chuyên môn có phương pháp để hạn chế tình trạng trẻ bị tật khúc xạ gia tăng. Trên thực tế khám bệnh, chúng tôi cũng thấy tỷ lệ tật khúc xạ tăng ở mức báo động. Từ đó chúng tôi muốn hợp tác với một trường học để tổ chức khám, tầm soát một cách bài bản, phát hiện chính xác tật khúc xạ cho các em, đồng thời qua đó khảo sát tỷ lệ cận thị, loạn thị, đưa ra những khuyến cáo phục vụ chăm sóc mắt tại cộng đồng.”- bác sĩ Sanh cho biết.

Kết quả khám mắt tại 3 cấp học của hệ thống trường Thực nghiệm (Hà Nội) cũng cho thấy, trong số các em đang đeo kính cận thị, loạn thị, viễn thị, có 38% học sinh đang đeo những cặp kính chưa tối ưu (sai số, kính hỏng…), trong đó khoảng 10% đeo kính không đúng với số đo tật khúc xạ trên thực tế.

Khám mắt bằng máy đo khúc xạ đạt chuẩn

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Bích Mận nêu ví dụ: “Chẳng hạn trường hợp của cháu L.G.B học sinh lớp 3. Khi khám mắt cho cháu, chúng tôi phát hiện khá nhiều vấn đề trên chiếc kính mà cháu đeo trước đó, tâm kính bị lệch tới 7 li, số kính là viễn - loạn và khi đeo chiếc kính cũ này, thị lực  mắt phải của L.G.B được 10/10, nhưng mắt trái chỉ được 7/10. Con số này, nhiều phụ huynh cảm thấy hài lòng, tuy nhiên, thực tế, với thị lực vừa nêu, cháu L.G.B chủ yếu nhìn bằng mắt phải và không sử dụng tới mắt trái".

Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội khám sàng lọc, L.G.B đã được chỉnh kính, mắt trái chỉ còn số kính loạn (giảm bớt phần kính viễn), thị lực mắt trái lên 10/10, thị giác 2 mắt cân bằng, đem lại sự thoải mái cho đôi mắt...”

“Nếu cứ đeo kính cũ, sai số thì mắt trái của cháu L.G.B không viễn thị cũng sẽ thành viễn thị. Cháu sẽ luôn phải cố điều tiết mắt, đôi khi sẽ hơi mỏi mắt, nhức đầu và chủ yếu chỉ nhìn bằng mắt phải. Lâu dần thị lực sẽ giảm, ảnh hưởng đến tinh thần và có thể dẫn tới kết quả học tập giảm sút. Qua đây cũng cảnh báo các bậc phụ huynh quan tâm tới sức khỏe đôi mắt của trẻ em nhiều hơn. Hiện nay, có thực trạng cha mẹ quá bận hoặc thiếu hiểu biết, thường cho con đến cửa hàng kính thuốc để đo mắt, đeo kính. Dù ở đó cũng có máy đo khúc xạ nhưng thường không có bác sĩ chuyên khoa.”- bác sĩ Mận cảnh báo.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sanh, Giám đốc Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội

Việc trẻ bị đo sai khúc xạ và đeo kính không đúng số, từ trước đến nay ít có những khảo sát, báo cáo cụ thể. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Sanh, Giám đốc Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội (thuộc Hệ thống Bệnh viện Mắt Hitec) khuyến cáo, nên đưa trẻ đi kiểm tra mắt 6 tháng/1 lần tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

“Như cơ sở của chúng tôi, đo khúc xạ bằng máy chuẩn quốc tế và thử thị lực trên một tiêu chuẩn quốc tế. Do khả năng điều tiết của trẻ em rất cao nên thường phải nhỏ dung dịch làm liệt điều tiết, sau đó đo tật khúc xạ thì mới chuẩn được. Nếu không, đôi khi đo sẽ sai số kính. Có những trường hợp phải dùng nhỏ dung dịch làm liệt điều tiết trong vòng vài tiếng đồng hồ, nhưng cũng có những trường hợp lâu hơn. Khi kiểm tra kỹ mà vẫn nghi ngờ thì bác sĩ phải dùng phối hợp các biện pháp khác để đưa ra số đo thấu kính chính xác cho trẻ. Điều này những cơ sở kính thuốc không có chuyên môn sâu không làm được.”- bác sĩ Sanh cho biết thêm.

Qua đợt khám mắt cho học sinh lần này, Thạc sĩ Lê Thị Mai Hương, Phó hiệu trưởng phụ trách trường Tiểu học – Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Thực nghiệm Khoa học giáo dục khẳng định, việc chăm sóc mắt, khám mắt định kỳ để phát hiện và quản lý tật khúc xạ cho các em là rất cần thiết. Nhà trường sẽ thông báo tới phụ huynh kết quả khám mắt của học sinh, đồng thời tăng cường phối hợp với gia đình để quan tâm hơn nữa đến sức khỏe đôi mắt của các em.

“Được các bác sĩ Hệ thống Bệnh viện Mắt Hitec tư vấn, chúng tôi hiểu rõ hơn về các nguyên nhân gây cận thị ở học sinh, không chỉ là do yếu tố ánh sáng, dinh dưỡng, bẩm sinh… mà còn là không gian sống chật hẹp khiến trẻ luôn phải nhìn gần. Cũng qua đây, chúng tôi hiểu được rằng khi trẻ phải đeo kính sai số sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và quá trình học tập. Hàng tuần chúng tôi thực hiện việc hoán đổi vị trí chỗ ngồi trong lớp cho học sinh để giúp các em không phải liên tục nhìn gần và tạo sự công bằng, nhưng trước đó đã phát hiện ra những em dù đã được đeo kính nhưng khi chuyển vị trí ngồi xuống cuối lớp đã không nhìn rõ chữ viết trên bảng, do đeo kính sai số.”

Các y, bác sĩ, nhân viên Hệ thống Bệnh viện Mắt Hitec

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung Ương, tại Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em độ tuổi từ 0 – 15 mắc các tật khúc xạ. Một nghiên cứu của trường Đại học Y Hà Nội khảo sát 250 bệnh nhân từ 5 – 18 tuổi cũng cho thấy, tỉ lệ xuất hiện tật cận thị cao nhất là ở học sinh tiểu học, chiếm 55,2%. Ước tính đến 2050, tỷ lệ cận thị trên thế giới sẽ chiếm tới 52%.

Nếu không có thói quen khám mắt định kỳ để phát hiện và có kế hoạch quản lý khoa học, tật khúc xạ không chỉ đơn thuần làm suy giảm thị lực mà còn là một trong những nguy cơ hàng đầu gây khiếm thị và mù lòa bởi những tổn hại của nhãn cầu do tật khúc xạ gây ra (nhược thị, thoái hóa hắc võng mạc, bong võng mạc, đục thủy tinh thể, glocom góc mở…).

Những trẻ đã được phát hiện tật khúc xạ và đeo kính cũng cần khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sỹ chuyên khoa Mắt đảm bảo kính đang đeo luôn được chỉnh tối ưu để đạt được thị lực tốt nhất hỗ trợ cho việc học tập, sinh hoạt, phát triển trí tuệ và thể chất.

0984 122 153
image 0984 122 153 image Zalo image Facebook image Appointment image Direct