Bệnh giác mạc hình chóp là một loại bệnh lý thường khởi phát ở độ tuổi thanh thiếu niên và có tốc độ tiến triển rất khác nhau tùy theo từng người. Bệnh hay bị nhầm lẫn với loạn cận thị hoặc nhược thị và dễ bị phát hiện muộn dẫn tới sẹo giác mạc.
Giác mạc là phần mô nằm phía trước nhất của nhãn cầu. Nếu nhìn từ ngoài vào, giác mạc là phần ở trung tâm có màu nâu đen do phản chiếu màu sắc của mống mắt ở phía sau. Bình thường, chúng ta có thể nhìn rõ là do giác mạc trong suốt và cong đều đặn từ trung tâm ra ngoại vi.
Bệnh giác mạc hình chóp là một loại bệnh lý làm cho phần trung tâm hoặc cạnh trung tâm phía dưới của giác mạc bị giãn phình ra và tiêu mỏng. Bệnh thường khởi phát ở độ tuổi thanh thiếu niên và có tốc độ tiến triển rất khác nhau tùy theo từng người. Đôi khi bệnh chỉ tiến triển đến một giai đoạn nhất định rồi ổn định và dừng lại (thường tiến triển tới khi 20-30 tuổi). Hiện nay, người ta chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh giác mạc hình chóp nhưng đã tìm thấy mối liên quan với một số yếu tố như: bệnh thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử viêm kết mạc mùa xuân, viêm kết mạc dị ứng, hay day dụi mắt... và bệnh có thể có yếu tố di truyền.
Mắt bị bệnh giác mạc chóp
Khi bệnh tiến triển sẽ làm cho giác mạc trung tâm bị giãn phình, bề mặt không còn đều đặn gây ra cận loạn thị. Ở giai đoạn muộn hơn, giác mạc sẽ bị phù, mờ đục và để lại sẹo giác mạc. Bệnh giác mạc hình chóp thường bị chẩn đoán nhầm với loạn cận thị, nhược thị. Nếu chẩn đoán chỉ dựa vào các dấu hiệu thăm khám trên sinh hiển vi thì thường chỉ phát hiện được bệnh ở giai đoạn muộn. Muốn phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, cần dựa vào khai thác tiền sử có dấu hiệu gợi ý như thường xuyên thay đổi số kính gọng, thay đổi độ loạn thị trong độ tuổi 16-25, đặc biệt khi soi bóng đồng tử thấy có dấu hiệu cắt kéo. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần cho bệnh nhân chụp bản đồ giác mạc giúp chẩn đoán xác định.
Bệnh giác mạc hình chóp ở giai đoạn sớm, khi loạn thị giác mạc chưa nhiều thì có thể điều chỉnh bằng kính gọng hoặc kính tiếp xúc (kính áp tròng) mềm giống như tật khúc xạ thông thường.
Cần thăm khám định kỳ sau khi được xác định bệnh giác mạc chóp
Ở giai đoạn nặng hơn, giác mạc bị biến đổi, gồ ghề không đều (loạn thị không đều) nhưng còn trong suốt, kính gọng hay kính tiếp xúc mềm không còn có tác dụng làm cải thiện thị lực. Khi đó, việc sử dụng kính tiếp xúc cứng sẽ giúp cải thiện thị lực đáng kể, rõ rệt. Tùy vào mức độ, hình thái cụ thể mà có thể kê kính tiếp xúc có thiết kế, thông số thay đổi khác nhau, thậm chí có những thiết kế kính sử dụng phối hợp cả kính tiếp xúc cứng và mềm.
Ở giai đoạn muộn, khi giác mạc đã bị phù hoặc để lại sẹo giác mạc, việc sử dụng kính tiếp xúc sẽ không còn phù hợp, bệnh nhân cần được ghép giác mạc để phục hồi thị lực.
Trong điều trị, kính tiếp xúc, đặc biệt là kính tiếp xúc cứng có vai trò rất quan trọng. Đây là một loại thiết bị y tế đặt trực tiếp lên bề mặt nhãn cầu nên bệnh nhân cần được thăm khám cẩn thận, tỉ mỉ để lựa chọn được thông số, thiết kế kính phù hợp. Bệnh nhân cần phải được hướng dẫn cách sử dụng, vệ sinh và bảo quản kính để đảm bảo an toàn, nhận biết và phòng tránh những biến chứng có thể gặp phải trong quá trình sử dụng kính. Bệnh nhân cũng cần thăm khám định kỳ nhằm theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng đồng thời theo dõi tiến triển của bệnh, thay đổi thông số kính nếu cần thiết. Hiện nay, ở Việt Nam cũng đã có những cơ sở chuyên về kính tiếp xúc có thể khẳng định chẩn đoán, kê đơn kính đồng thời theo dõi, thăm khám định kỳ cho những bệnh nhân bị bệnh lý giác mạc hình chóp.
Bệnh giác mạc hình chóp không phải bệnh lý thường xuyên gặp trên thực tế lâm sàng, dễ bị bỏ sót ở giai đoạn sớm. Khi bệnh nhân có các dấu hiệu gợi ý như trên thì cần nghĩ đến bệnh giác mạc hình chóp và gửi đến các cơ sở chuyên khoa mắt có đầy đủ trang thiết bị để được chẩn đoán chính xác bệnh.
Nguồn: BS. Phạm Thị Hải Yến
((Khoa Khúc xạ - BV Mắt Trung ương))
Đăng trên báo sức khỏe đời sống ngày 17/08/2018
Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ 0984 122 153