Chuyên gia Bệnh viện Mắt Hitec lý giải nguyên nhân nhìn mờ sau khi bị mắt đỏ!

Bà Đ.T.L, 82 tuổi, nhà ở Thụy Khuê đến Phòng khám mắt kỹ thuật cao Hà Nội (số 480 Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) khám vì bà đau mắt đỏ cả tuần nay, giờ mắt hết đỏ - tưởng khỏi rồi mà sao lại thấy chảy nước mắt và nhìn mờ như sương trước mặt …

Phải đến gặp bác sĩ sau khi tự mua thuốc về điều trị đau mắt đỏ

Sau khi được BSCKII Nguyễn Thị Nguyệt Anh gặng hỏi "vì sao bà phải đi khám?", bà mới kể: Bà đã mổ thay thủy tinh thể nhân tạo tại bệnh viện Hitec 51-53-55 Trần Nhân Tông và mắt rất sáng. Đã lâu nay bà có thể tự chăm sóc cho mình mà không còn phải nhờ đến con cháu như trước. Nhưng cả tuần nay bà đau mắt đỏ, bà tự mua thuốc về tra, giờ mắt hết đỏ - tưởng khỏi rồi mà sao lại thấy chảy nước mắt và nhìn mờ như sương trước mặt. Kết quả thăm khám cho thấy hai mắt của bà đều đã hết đau đỏ, không còn cương tụ, thủy tinh thể nhân tạo cũng rất tốt nhưng cả hai mắt chỉ đạt thị lực khoảng 4-5/10 vì viêm giác mạc chấm nông dầy đặc ở 2 cực dưới giác mạc. BS. Nguyệt Anh chụp và chỉ cho bà nhìn hình ảnh trên màn hình: "đây là một trong nhưng biến chứng thường gặp sau đau mắt đỏ. Dù không quá nặng nề nhưng việc điều trị lại thường kéo dài, có những bệnh nhân đến vài tháng mới có thể hồi phục hoàn toàn để trở về như bình thường. Vậy nên bà chịu khó tra thuốc theo hướng dẫn và đến để bác sỹ kiểm tra, đánh giá lại sau 1 tuần điều trị …"

Đau mắt đỏ và những dấu hiệu nghi ngờ có viêm giác mạc chấm nông

Bệnh đau mắt đỏ là cách gọi dân gian, giới chuyên môn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là đỏ mắt do cương tụ các mạch máu nông nên được gọi là bệnh đau mắt đỏ. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có tiết tố (ghèn, dử mắt), kèm theo dấu hiệu sưng nề mi mắt, cộm xốn, chảy nước mắt… Theo các chuyên gia có nhiều nguyên nhân gây viêm kết mạc cấp như nhiễm trùng, dị ứng, do hóa chất hoặc các tác nhân vật lý… nhưng hay gặp nhất là 2 nhóm nguyên nhân: do vi khuẩn và virus với các biểu hiện lâm sàng khác nhau, trong đó 80% là do Adenovius. Viêm kết mạc do Adenovirus, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và xảy ra quanh năm, tuy nhiên có thể có 1 vài đợt dịch bùng lên vào vụ hè – thu hoặc thu - đông. Bệnh thường kéo dài trong khoảng hai tuần và hầu hết tự khỏi. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng có thể gây ra các biến chứng như: viêm kết mạc nặng hơn, viêm giác mạc, loét giác mạc… và các biến chứng nguy hiểm khác, đôi khi phải nhập viện điều trị. Theo các bác sĩ của Bệnh viện Mắt Hitec, hiện nay dù không phải đang trong mùa dịch cao điểm nhưng hàng ngày trong số hàng trăm bệnh nhân đến khám mắt tại đây cũng có đến hàng chục bệnh nhân nhân bị đau mắt đỏ hoặc viêm giác mạc sau đau mắt đỏ như bà L.

[caption id="attachment_7297" align="aligncenter" width="640"]
Hình ảnh viêm giác mạc chấm nông dầy đặc cực dưới giác mạc[/caption]

 

Đau mắt đỏ được điều trị khá đơn giản, chủ yếu bằng các thuốc làm giảm nhẹ triệu chứng, kháng viêm, kháng sinh nhỏ tại chỗ, nhưng các bác sĩ nói rõ: Việc sử dụng liều lượng bao nhiêu, loại thuốc gì để phù hợp với từng người bệnh là do bác sĩ chỉ định. "Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc, vì nếu điều trị không đúng chỉ định và không kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của bệnh nhân như viêm giác mạc chấm nông"- Bác sĩ Bệnh viện Mắt Hitec lưu ý.

Một số dấu hiệu khi viêm giác mạc chấm nông:

- Mắt bệnh nhân bị đỏ, có nhiều chấm li ti trên bề mặt giác mạc, bắt màu thuốc nhuộm (chỉ bác sỹ mới thấy)

- Người bệnh có cảm giác khô mắt và thường xuyên bị chảy nước mắt.

- Có biểu hiện nhìn mờ hơn, nhìn như có sương mù trước mặt.

- Nhạy cảm hơn với ánh sáng, chói, chảy nước mắt.

- Đau mắt hoặc có cảm giác bỏng rát hay khó chịu giống như đang có dị vật trong mắt.

Chuyên gia Hitec khuyến cáo:

Khi có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần tới khám và điều trị tại các bác sĩ chuyên khoa mắt để được hướng dẫn điều trị đúng. Tuyệt đối không sử dụng thuốc theo mách bảo hoặc dùng đơn thuốc của người này điều trị cho người khác, đặc biệt là những thuốc có Corticosteroid khi không có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời không nên xông mắt bằng các loại thuốc, lá cây để tránh làm bệnh nặng thêm. Ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ trong quá trình điều trị như sau:

- Chườm lạnh lên mắt giúp giảm đau và dễ chịu. - Rửa mắt, làm sạch ghèn (dử) và làm mềm lông mi bằng nước muối sinh lý nhất là vào buổi sáng hoặc trước khi tra thuốc.

- Nước mắt nhân tạo hoặc thuốc nhỏ mắt kháng Histamin nếu bệnh nhân ngứa mắt nhiều. - Dinh dưỡng, bổ sung vi chất và vitamin C để tăng cường sức đề kháng như nước cam, chanh…

Nguồn Báo sức khỏe đời sống

0984 122 153
image 0984 122 153 image Zalo image Facebook image Đặt lịch khám image Chỉ đường