Theo các chuyên gia nhãn khoa, tật khúc xạ bao gồm: cận thị, viễn thị, loạn thị, trong đó tới trên 90% là cận thị. Ước tính đến năm 2050, trên thế giới sẽ có khoảng 5 tỷ người mắc cận thị và 1/5 trong số đó (khoảng 1 tỷ người) có nguy cơ mất thị lực do cận thị nặng và những biến chứng của nó gây ra. Vậy cận thị là gì, khi nào và tại sao con chúng ta có thể bị cận thị, cận thị có chữa được bằng thuốc không…? Đó là hàng loạt câu hỏi mà các bậc phụ huynh băn khoăn. Chuyên gia khúc xạ Bệnh viện mắt Kỹ thuật cao Hà Nội (HITEC) sẽ giúp chúng ta giải đáp các vấn đề này. Các chuyên gia cho hay, một dấu hiệu thường được biết đến của cận thị là nhìn xa mờ. Tuy nhiên nếu cận thị từ trung bình trở lên, trẻ có thể nhìn mờ ngay cả khi nhìn gần.
Sân trường tiểu học Hoàng Hoa Thám trong giờ giải lao - là không gian lý tưởng cho các hoạt động tiếp xúc với ánh sáng trời, giúp trẻ có sức khoẻ thị giác lành mạnh.
Các dấu hiệu ở người cận thị
- Nhìn mờ khi vật ở xa
- Nheo mắt để nhìn
- Khó nhìn trong điều kiện thiếu sáng, nhất là khi di chuyển đi lại hoặc khi lái xe
- Nhức đầu mỏi mắt, ngại học, không có hứng thú trong học tập, nhanh mệt mỏi khi làm việc…
Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường không nhận ra vấn đề của mình. Cô Nguyễn Thị Thu Huyền, phụ trách y tế của trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) chia sẻ: cô thường xuyên nhận được lời phàn nàn của một số thầy cô vì khó khăn trong việc xếp chỗ ngồi cho trẻ. Để đảm bảo công bằng, thầy cô phải định kỳ luân chuyển chỗ ngồi cho các con. Nhưng có những cháu thị lực rất kém, thường xuyên phải nheo mắt, xếp ngồi đến bàn 1-2 mà vẫn không nhìn được. Đợt này được các bác sỹ Bệnh viện HITEC khám sàng lọc mới biết thị lực con chỉ đạt dưới 1/10, chỉ đếm được ngón tay … do mắc cận thị. Vì vậy, để có thể phát hiện sớm trẻ bị cận thị, các chuyên gia lưu ý bố mẹ, thầy cô giáo cần đặc biệt quan tâm khi thấy trẻ có những dấu hiệu sau đây: - Ở nhà: trẻ luôn có xu hướng và tiến sát đến tivi để xem, ngại đọc sách hoặc các hoạt động phải nhìn xa - Phải cúi sát mặt như "ngửi chữ" khi nhìn sách, điện thoại,… - Hay dụi/nháy mắt, trông "lờ đờ" như buồn ngủ, kém nhanh nhẹn, linh hoạt hơn những trẻ khác … - Trẻ thường kêu mỏi mắt, nhức đầu, hay chảy nước mắt - Hay bị nhìn nhầm/nhoè chữ do nhầm/nhảy hàng; đọc chậm hoặc phải dùng ngón tay để dò từng chữ khi đọc, khó khăn khi đọc cả dòng chữ dù trẻ có thể đọc được từng chữ rời rạc. - Ở lớp trẻ phải ngồi bàn trên hoặc lại gần bảng mới nhìn được - Viết sai/thiếu chữ hoặc phải chép bài/ mượn kính của bạn để nhìn - Nheo mắt hoặc nghiêng đầu khi nhìn vật ở xa - Giờ chơi trên lớp: trẻ ít hoặc không thích tham gia các hoạt động cần nhìn xa
Học sinh được các chuyên gia đo khúc xạ, kiểm tra kính trong chương trình tầm soát tật khúc xạ do Bệnh viện HITEC tổ chức tại trường.
Nguyên nhân nào gây cận thị?
Cận thị học đường đang được xem như một "đại dịch" đáng báo động trong xã hội hiện đại. Tăng độ cận nhanh còn gọi là cận thị tiến triển, có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến thị lực và sự phát triển của trẻ. Việc tầm soát để ngăn ngừa khởi phát cận thị, "dự đoán" mức độ tăng độ cận giúp cho các chuyên gia khúc xạ có thể đưa ra một kế hoạch phù hợp để cùng chung tay kiểm soát cận thị, trong đó vai trò của cha mẹ hết sức quan trọng. Cận thị bẩm sinh (do di truyền) rất khó để phòng tránh và kiểm soát nếu trẻ không được thường xuyên hoặc chủ động đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để chẩn đoán và điều trị sớm. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng 33-60% trẻ cận thị có cả cha và mẹ bị cận. Tỷ lệ này giảm xuống 23-40% nếu trẻ chỉ có cha hoặc mẹ bị cận thị. Tuy vậy, khi cha mẹ không bị cận thị thì cũng có đến 6-15% khả năng trẻ sẽ bị cận thị. Mặt khác, lối sống hiện đại ngày nay đã góp phần khiến tật cận thị đang gia tăng và bùng nổ: - Áp lực học tập, ngồi học sai tư thế, nhìn gần kéo dài - Nhà ống và những căn hộ thiếu ánh sáng trời, khiến trẻ thường xuyên phải học tập, sinh hoạt với ánh sáng đèn điện khiến mắt phải liên tục điều tiết - Kỷ nguyên số khiến con người và học sinh phải làm việc trực tiếp với máy vi tính, điện thoại, sách vở, tài liệu online khiến mắt luôn phải căng ra điều tiết - Thói quen đọc sách, xem tivi, điện thoại kéo dài mà không có kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và cho mắt nghỉ ngơi - Chơi game và các thiết bị điện tử trong phòng điều hoà khiến trẻ không còn ham thích các hoạt động ngoài trời và giảm thời gian tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên cũng là nguyên nhân gây cận thị
BSCKII. Nguyễn Thị Nguyệt Anh - bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội khám mắt cho các học sinh đã được sàng lọc tại trường.
Các biện pháp điều trị cận thị
Các chuyên gia Bệnh viện HITEC khẳng định, cho đến nay chưa có bất kỳ một loại thuốc nào để điều trị cận thị. Chỉnh quang là biện pháp duy nhất giúp trẻ cận thị có được thị lực tốt để học tập, sinh hoạt và phát triển. Các biện pháp chỉnh quang bao gồm: Đeo kính gọng phân kì: là giải pháp thông dụng nhất, ít tốn kém nhất để điều chỉnh tật cận thị. Tuy nhiên với những hạn chế về thẩm mỹ hay những bất tiện trong sinh hoạt và việc phải thường xuyên thay kính khi gẫy, hỏng, tăng số … khiến kính gọng đang trở thành rào cản cho người sử dụng Kính áp tròng cứng hoặc áp tròng mềm đang là giải pháp được nhiều người lựa chọn với những ưu điểm như thẩm mỹ cao, tiện dụng, cho thị lực tốt hơn do độ quang sai nhỏ. Nhưng với những nhược điểm: có thể gây kích ứng, viêm nhiễm hoặc khô mắt và chi phí cao, kính áp tròng chỉ phù hợp với những người có tài chính cho phép Ortho-K (Orthokeratology) là loại kính để điều trị và kiểm soát cận thị đang dần trở lên phổ biến tại Việt Nam. Với cơ chế chỉnh hình giác mạc tạm thời, Ortho-K là phương pháp chỉnh quang không "xâm lấn" – không phẫu thuật, đem lại thị lực tốt trong cả ngày hôm sau mà không cần phải đeo kính gọng khi trẻ đeo đủ 6-8h liên tục vào đêm hôm trước. Bất kì loại kính áp tròng nào cũng có rủi ro gây viêm nhiễm cho mắt. Tuy nhiên, rủi ro này thấp và có thể phòng tránh bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh và kiểm tra mắt định kỳ theo chỉ dẫn của đội ngũ bác sĩ và chuyên gia khúc xạ nhãn khoa. Nghiên cứu cho thấy, Ortho-K là một phương pháp điều trị an toàn để điều chỉnh thị lực và kiểm soát cận thị tiến triển. Ngoài ra các phẫu thuật như: Relex Smile, Lasik, thay thể thủy tinh, hoặc đặt kính nội nhãn – ICL … chỉ được áp dụng khi trẻ đã trưởng thành và có độ cận ổn định.