Mắt trẻ em có nhiều đặc điểm bệnh học giống như mắt người lớn. Tuy nhiên, một số bệnh mắt trẻ em hoàn toàn khác với bệnh mắt của người lớn hoặc có một số bệnh mắt chỉ xảy ra ở trẻ em. Do đó việc khám, chẩn đoán và điều trị bệnh mắt trẻ em cũng có những điểm đặc biệt. Khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ, khác thường, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt sớm để thăm khám và điều trị để tránh được các hệ lụy xấu đến sự phát triển hoàn thiện chức năng thị giác trong những năm đầu đời.
Bệnh về mắt ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến thị lực giảm sút, mù vĩnh viễn hoặc gây ra một số biến chứng khó lường. Vì vậy, cha mẹ cần hết sức chú ý đến các dấu hiệu “khác thường” sau đây ở trẻ để kịp thời đưa bé đi thăm khám tại các địa chỉ khám mắt tin cậy.
1. Lác: Lác mắt là một bệnh khá phổ biến ở trẻ em do sự lệch trục nhãn cầu của một hoặc hai mắt. Mắt bị lác có thể lệch vào trong hoặc ra ngoài (lác ngang), lên trên hoặc xuống dưới (lác đứng), hoặc lác ngang phối hợp lác đứng (lác chéo). Mắt lác thường xuất hiện rõ khi hai mắt nhìn thẳng phía trước. Nếu che mắt không lác thì mắt lác sẽ chuyển động để đưa mắt trở về tư thế nhìn thẳng. Lác không chỉ là vấn đề thẩm mĩ mà còn có nguy cơ gây nhược thị. Ngay khi nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ bị lác, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhãn khoa, điều trị càng sớm thì hiệu quả đạt được càng cao.
2. Đục thể thủy tinh bẩm sinh: bệnh có thể ở một hoặc hai mắt, ngay từ khi sinh ra hoặc xuất hiện muộn hơn. Đục thể thủy tinh có thể đơn độc hoặc kèm theo nhiều tổn thương bẩm sinh khác ở mắt và toàn thân. Trước đây, đục thể thủy tinh ở trẻ em thường được xử lí muộn, do đó khả năng phục hồi thị lực rất hạn chế vì nhược thị. Hiện nay, nhờ những tiến bộ về máy móc cũng như những cải tiến về kĩ thuật, người ta đã có thể phẫu thuật đục thể thủy tinh ở trẻ em từ rất sớm, nhờ đó tiên lượng thị lực trở nên tốt hơn rất nhiều. Chẩn đoán đục thể thủy tinh thường không khó, phần lớn có thể thấy được bằng mắt thường với dấu hiệu chủ yếu là đồng tử màu trắng và mất ánh hồng của đồng tử.
3. Glôcôm bẩm sinh: Glôcôm bẩm sinh là hình thái glôcôm thường gặp nhất trong nhóm các bệnh glôcôm ở trẻ em. Glôcôm bẩm sinh có thể nguyên phát (do những bất thường cấu trúc của góc tiền phòng) hoặc thứ phát (kèm theo những bất thường ở các phần khác của mắt). Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh glôcôm bẩm sinh có thể ngăn ngừa dẫn đến mù lòa. Bệnh glôcôm bẩm sinh phần lớn được phát hiện muộn sau khi sinh, tỉ lệ cao hơn ở con trai (65%) so với con gái (35%). Bệnh thường ở hai mắt với mức độ khác nhau. Triệu chứng thường gặp nhất là sợ ánh sáng, chảy nước mắt, và lòng đen to hơn bình thường….
4. Bệnh võng mạc trẻ đẻ non: viết tắt là ROP, là một tình trạng bệnh lý của mắt thường gặp ở những trẻ đẻ non trước 35 tuần thai nhi, trọng lượng dưới 1,6 kg… Trẻ sinh non càng nhẹ cân càng ốm yếu, phải thở oxy cao áp thì càng có nguy cơ mắc bệnh. Quan trọng là phòng bệnh bằng cách thực hiện tốt chế độ quản lý thai nghén. Nếu đẻ non cần khám mắt đầy đủ và hệ thống để có thể phát hiện sớm bệnh võng mạc trẻ đẻ non.
5. Tắc lệ đạo: là khuyết tật thường gặp nhất của lệ bộ ở trẻ sơ sinh. Ở một số trẻ sơ sinh, do các lỗ mở vào ống dẫn lệ (lệ đạo) chưa hình thành đúng cách gây ra tắc nghẽn và nước mắt không thể thoát xuống ngách mũi dưới theo đường tự nhiên. Có tới 6% trẻ sơ sinh bị tắc lệ đạo bẩm sinh, có nghĩa là nó xuất hiện ngay từ khi mới sinh. Lệ đạo có thể bị tắc ở một hoặc cả hai mắt. Tuy vậy, gần như tất cả các ống dẫn lệ bị tắc đều tự mở ra, muộn nhất là khi trẻ được 1 tuổi nên thường không ảnh hưởng đến thị lực của em bé hoặc bất kỳ di chứng lâu dài nào về mắt. Triệu chứng của tắc lệ đạo ở trẻ khá rõ rệt: chảy nước mắt, mắt có ghèn nhưng không đỏ (khi chưa viêm nhiễm do bội nhiễm), nước mắt có dịch mờ đục, vàng trong, ...
6. Sụp mi bẩm sinh: chiếm khoảng 50-70% các trường hợp sụp mi và có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 mắt. Cách điều trị còn tùy thuộc vào mức độ sụp mi và chức năng của cơ nâng mi. Sụp mi bẩm sinh có thể là dấu hiệu của bệnh liệt dây thần kinh số III, nhược cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt, thậm chí là tính mạng của trẻ nếu có nhược cơ hô hấp. Bên cạnh đó, nó còn làm mất thẩm mỹ và khiến người bệnh bị mặc cảm. Sụp mi bẩm sinh thường được chia thành 3 mức độ như sau:
7. Ung thư võng mạc: là bệnh hiếm gặp nhưng là một bệnh u ác tính thường gặp nhất của mắt trẻ em. Bệnh gây ra bởi một đột biến gen, có yếu tố di truyền và có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh ung thư võng mạc là đồng tử trắng. Ở trong tối, đồng tử giãn to làm cho mắt bệnh nhân có ánh xanh (trông như ánh mắt mèo mù), dấu hiệu thường giúp cho bố mẹ bệnh nhân phát hiện ra bệnh. Bạn đặt lịch khám với chuyên gia mắt hàng đầu
>>> TẠI ĐÂY<<< với Ưu đãi quà tặng sớm từ Hitec hoặc gọi HOTLINE 0984 122 153
Hệ thống bệnh viện mắt HITEC - Tận tâm cho đôi mắt sáng
Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội: Số 51-53-55 Trần Nhân Tông, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Bệnh viện chuyên khoa mắt HITEC: Số 55 Hàm Long, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Phòng khám mắt kỹ thuật cao: Số 480 Thụy Khuê, Phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội
Website: https://benhvienmat.vn
Liên hệ: m.me/hethongbenhvienmathitec
Fanpage: https:/www.facebook.com/hethongbenhvienmathitec